Bài giảng của ĐTC Phanxicô về truyền đức tin cho giới trẻ bằng gương sống chứ không bằng lời nói

Tiến bước trong chân lý và tình yêu

 

Radio Vatican, 14-11-2014


 


 

Hành động thì có giá trị hơn lời nói, đặc biệt trong việc truyền tải đức tin cho trẻ em và thanh niên ngày nay, thế hệ có thể gọi là thế hệ “kỹ thuật số bẩm sinh.” Nếu muốn giúp các em cảm nghiệm được “sự thật và tình yêu,” thì chúng ta phải hướng dẫn bằng gương sáng. Đây là lời của Giáo hoàng Phanxicô trong thánh lễ sáng ngày thứ sáu, 14-11-2014 tại Nhà nguyện Thánh Mácta.

Hôm nay là một ngày lễ đặc biệt tại Nguyện đường Nhà trọ Thánh Mácta, với các hàng ghế đầy trẻ em đến từ các giáo xứ Roma. Sau ban đầu bối rối, các em đã thắng được sự rụt rè để tham gia buổi hỏi đáp với Đức Thánh Cha. Nhìn các em, Đức Phanxicô nói như “đang nhìn vào một hứa hẹn, nhìn vào một thế giới đang đến.” Rồi Giáo hoàng hỏi: “Chúng ta sẽ để lại gì cho tương lai của mình?”

“Chúng ta có dạy các em những gì chúng ta đã nghe trong Bài đọc một: tiến bước trong tình yêu và sự thật? Hay chúng ta dạy các em bằng môi miệng, và rồi để cuộc sống mình chạy theo một hướng khác? Nhưng chúng ta có trách nhiệm phải coi sóc các trẻ nhỏ này! Một Kitô hữu phải chăm sóc cho con cái, các trẻ em, và truyền cho các em đức tin, truyền những gì mình sống, những gì mình có trong lòng. Chúng ta không thể bỏ mặc các cây non đang lớn được.”

Giáo hoàng Phanxicô nói rằng tất cả mọi sự đều dựa vào việc chúng ta có thái độ đúng đắn đối với các trẻ em. “Vậy thái độ của tôi là gì?” ngài hỏi, “là thái độ của người anh, người cha, người mẹ, người chị, giúp các con em của mình lớn lên, hay là một thái độ xa cách, “chúng lớn lên, nhưng tôi có cuộc sống riêng của mình …”

“Tất cả chúng ta có trách nhiệm phải cho các em những gì tốt đẹp nhất, và sự tốt đẹp nhất chúng ta có là đức tin của mình: hãy trao đức tin cho các em, nhưng là trao bằng gương sáng! Lời nói thật vô vị lạc lõng, … trong thế giới ngày nay, nơi ai ai cũng có điện thoại di động, lời nói đang thật lạc lõng … Nhưng Gương sáng! Làm gương! Phải tự nghĩ xem: tôi nên cho con em những gì?”

Đến đây, Giáo hoàng bắt đầu hỏi các trẻ em tại sao đến tham dự thánh lễ, và khơi mào một cuộc đối thoại tự phát. Mất một lúc, một em mới lấy được can đảm mà nhận rằng: “Để gặp cha …” và Giáo hoàng Phanxicô đáp lại, “Cha cũng thích được gặp tất cả các con.”

Ngài bắt đầu hỏi các trẻ xem ai đã rước lễ lần đầu. Rồi ngài chỉ ra cho các em rằng Bí tích Rửa tội “mở cánh cửa đến với đời sống Kitô hữu” và ngay sau đó “cuộc lữ hành cả đời khởi đầu.” Và chính cuộc lữ hành này được mô tả trong đoạn thư thánh Gioan tông đồ vừa được đọc lên trong bài đọc một, là: “Tiến bước trong chân lý và sự thật.” Giáo hoàng tiếp rằng, về sau trong cuộc lữ hành này, các bí tích khác sẽ đến, như hôn phối chẳng hạn. Nhưng giáo hoàng lặp lại lần nữa rằng, “điều quan trọng là biết cách làm sao để sống cuộc lữ hành này, biết cách làm sao sống như Chúa Giêsu vậy.”

“Trong các Bí tích này, - để cha hỏi thử các con một câu xem sao - , liệu cầu nguyện có phải là bí tích không? … Nói to nào! … Không! Đúng là không! Cầu nguyện không phải là bí tích, nhưng chúng ta phải cầu nguyện. Các con có biết là các con cần phải cầu nguyện không? Tốt tốt … Đúng thế! Cầu nguyện với Chúa, cầu nguyện với Chúa Giêsu, cầu nguyện với Đức Mẹ, để giúp chúng ta trong cuộc lữ hành của chân lý và tình yêu. Các con có hiểu không? Lúc nãy, ai nói là con đến đây để gặp cha nào? Là con. Nhưng các con đến đây cũng là để gặp Chúa Giêsu nữa. Đúng không? Hay chúng ta cứ để mặc Chúa? [các em đồng thanh “Không!”] Bây giờ Chúa Giêsu đang ngự trên bàn thờ. Và chúng ta sẽ thấy Ngài, tất cả chúng ta! Chúa Giêsu đó! Ngay bây giờ, chúng ta phải xin Chúa Giêsu dạy chúng ta tiến bước trong chân lý và tình yêu. Chúng ta cùng nói lại nào? (tất cả đồng thanh) “Tiến bước trong chân lý và tình yêu.”

J.B. Thái Hòa dịch